Bích Ngọc - 08:54 26/08/2020
Đà Lạt sở hữu quần thể hệ thống kiến trúc dinh thự, biệt thự, công trình công cộng được kiến tạo, xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên hiện nay nhiều biệt thự cổ đang trong tình trạng bị bỏ hoang, xuống cấp, không những lãng phí, làm mất mỹ quan đô thị mà còn phát sinh tệ nạn xã hội.
Theo thống kê, Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 biệt thự được xây dựng trước năm 1975. Những biệt thự này đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc của Pháp, do những kiến trúc sư tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet... thiết kế.
Chính quyền thành phố đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với nhiều căn ở trung tâm các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quang Trung, Nguyễn Du, Hùng Vương, Trần Bình Trọng... nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch lại rất ít dẫn đến những ngôi biệt thự cổ này đang bị bỏ hoang.
Đa số biệt thự cổ cho các hộ dân thuê ở, doanh nghiệp thuê để kinh doanh cũng đều không còn nguyên vẹn, hoang phế tạo nên những hình ảnh không đẹp mắt. Gần 50 biệt thự dùng làm trụ sở của các cơ quan nhưng sau khi trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động từ tháng 4-2014, những cơ quan nhà nước đóng tại các biệt thự công được chuyển vào làm việc tập trung, danh sách biệt thự bỏ hoang tiếp tục nối dài.
Điển hình, biệt thự cổ số 1, số 7, số 9 trên đường Cô Giang (phường 9, TP Đà Lạt) được xây dựng với kiến trúc 2 tầng gần như bị bỏ hoang, các hạng mục như tường, mái ngói, cửa, cầu thang bộ nứt nẻ, bong tróc..., người dân xung quanh tận dụng để chăn nuôi gia súc.
Hay căn biệt thự cổ nổi tiếng số 13 đường Trần Hưng Đạo bị cơi nới để hàng chục hộ dân ở... Đặc biệt, các vùng ven Đà Lạt như đèo Prenn, Vạn Thành, Xuân Thọ..., nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang, bị đồn thổi là "căn nhà ma", nhiều người tìm đến khấn vái khiến tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp.
Tình trạng nhiều biệt thự cổ không được sử dụng không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người dân khi những căn nhà này đã bị xuống cấp, mỗi trận mưa gió, lốc xoáy, nhiều cánh cửa va đập rơi xuống đất, bay ra đường.
Trao đổi về việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc của Đà Lạt, một đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết do nhiều năm không phát huy được hết giá trị của những biệt thự công, việc sử dụng bị hạn chế nên mới xảy ra tình trạng xuống cấp. Sở Xây dựng đang sửa đổi bổ sung đề án sử dụng các căn biệt thự cổ để việc quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
Bích Ngọc