Bích Ngọc - 10:11 31/05/2021
Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi phản ánh sự bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Những chiến sĩ từng làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù muốn “thủ tiêu” tư tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhà lao được xây dựng trên đồi Chi Lăng, gồm tám phòng giam lớn (trong đó hai phòng nữ), ba dãy xà lim, mỗi dãy có bốn phòng rộng 6m². Dưới mỗi gian xà lim là hệ thống phun nước ngầm làm lạnh phòng giam khi tra tấn các chiến sĩ trẻ tuổi của ta.
Các dãy nhà ngang tạo hai khoảnh sân ở giữa để phục vụ các hoạt động của tù nhân khi ra ngoài phòng giam. Những khi được cho ra sân tắm nắng, các tù nhân chỉ được phép di chuyển giới hạn trong các ô nhỏ kẻ vạch trên sân tiếp giáp cửa ra vào của mỗi phòng giam.
Khu trung tâm là gian nhà hình chữ A - phòng làm việc của bộ máy quản lý nhà lao. Trước gian nhà chữ A là khu vực sân treo cờ của chính quyền Sài Gòn, nơi tập trung các tù nhân thiếu nhi chào cờ và hát quốc ca mỗi sáng đầu tuần. Nếu có ai chống đối sẽ bị tra tấn. Đây cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất ý chí ngoan cường, bất khuất trước kẻ thù của những chiến sĩ nhỏ tuổi.
Những phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của những người tù nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi tổ chức ra Trung tâm này. Đầu tháng 6-1973, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt bị giải tán…
Ngày 22-6-2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã được Bộ VH-TT-DL quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tập thể cựu tù chính trị Nhà lao Thiếu nhi và ba cá nhân (Đặng Bảo Xy, Ngô Tùng Chinh và Mai Thanh Minh) đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Giờ đây, chúng ta đang sống ở một đất nước hạnh phúc, hòa bình, Đà Lạt vẫn yên bình, lãng mạn và vẫn được mọi người yêu thương rất nhiều. Nhà lao thiếu nhi tồn tại đến thời điểm này như một minh chứng đẹp đẽ về những con người kiên cường, yêu nước xứng đáng được tất cả mọi người trân trọng.
Bích Ngọc