Đà Lạt: Nhiều người tố giác bị lừa đặt phòng khách sạn

Trân Bùi - 14:52 09/03/2022

Thời gian qua, nhiều người phản ánh đã đặt phòng khách sạn qua mạng xã hội khi muốn đi Đà Lạt du lịch đã bị lừa tiền cọc hàng chục triệu đồng.

Sáng 9/3, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đã nhận nhiều phản ánh và đơn trình báo của du khách về việc bị các tài khoản mạo danh, lừa đặt phòng khách sạn ở Đà Lạt.

270191447 4574084382704448 3719303194367061178 N
Đà Lạt luôn thu hút đông đảo khách du lịch ghé đến

Là một trong nạn nhân bị lừa, anh Phạm Ngọc Nguyên Thái, quê Bình Thuận cho biết, hồi đầu tháng 2, anh liên hệ qua Facebook để thuê vila trên đường Đặng Thái Thân, TP Đà Lạt. Người cho thuê xưng là nhân viên của Công ty Hoa Mặt Trời Travel có tên Joy Booking Đà Lạt, tên Lại Thanh Nhã tiếp nhận làm việc. Người này phản hồi, thông báo giá 7,5 triệu đồng/đêm, cũng như cách thức giao dịch. Anh Thái chuyển khoản 7,5 triệu đồng cọc qua tài khoản.

Tuy nhiên, sau khi Thái chuyển khoản, phía vila không trả lời tin nhắn hay phản hồi bất cứ hình thức nào để xác nhận giao dịch. Người này cũng chặn tài khoản của anh Thái nên không gửi tin nhắn. Biết bị lừa, anh Thái làm đơn tố giác.

Tương tự, mới đây qua quảng cáo Facebook, nữ du khách đã liên hệ và chuyển cọc 45 triệu đồng để đặt phòng tại TP Đà Lạt. Nhận tiền xong, người này chặn mọi liên lạc và không trả lại tiền. Trường hợp khác, du khách qua mạng xã hội đã liên hệ và chuyển cọc 50% (2,4 triệu đồng) để đặt phòng tại Nguyễn Siêu, phường 7, nhưng sau đó người đăng bài chặn mọi liên hệ, không trả lại tiền.

103599906 1800642740100870 7788594322835351959 N
Những vụ lừa đặt phòng khách sạn ngày càng nhiều

Theo ông Kiệt, từ đầu năm tới nay, đơn vị tiếp nhận gần 8 trường hợp bị lừa tiền cọc từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng.

“Đây là sự mạo danh, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch của địa phương, nên chúng tôi đã chuyển về Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, và cơ quan điều tra để làm rõ”, ông Kiệt nói.

Đà Lạt hiện có 2.234 cơ sở lưu trú và khách du lịch thường ưa chuộng loại hình homestay, thuê nhà nguyên căn. Thế nhưng, nhiều cơ sở tự ý đón khách khi chưa có giấy phép kinh doanh, không đảm bảo điều kiện an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, xây dựng trên đất nông nghiệp, dựng nhà tạm bợ... Các cơ sở trên có thể quảng cáo không đúng sự thật, không có người phục vụ, trang thiết bị xuống cấp.

Trong khi chờ điều tra, Phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt cảnh báo du khách tránh đặt phòng qua những tài khoản mạng xã hội không rõ ràng, có tên giao dịch ngân hàng khác với tên trang cá nhân. Du khách nên liên hệ qua khách sạn hoặc gọi về số điện thoại của phòng văn hóa để kiểm tra trước khi giao dịch. Khi có dấu hiệu bị lừa tiền cọc, du khách có thể gửi đơn trình báo về Sở Du lịch.

Theo Vietnamnet.vn

# Bài viết nổi bật

# Bài viết cùng chủ đề