Cụ bà mắc Covid xin nhường máy thở cho chồng, đến cuối cùng tình yêu vẫn luôn mãnh liệt

Trân Bùi - 15:31 17/08/2021

Trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải chỉ định can thiệp nội khí quản gấp, cụ bà 71 tuổi vẫn cố thều thào xin được nhường máy thở cho người chồng. Câu chuyện được chia sẻ khiến ai cũng xúc động.

Mới đây, trên trang cá nhân của bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có bài chia sẻ về một câu chuyện vô cùng xúc động về đôi vợ chồng già mắc Covid-19. Chứng kiến những gì vừa diễn ra tại khoa bệnh mà mình đang điều trị, anh và các đồng nghiệp không khỏi rưng rưng.

Ba Cu Nhuong May Tho Cho Chong
Hai ông bà đang được các bác sĩ chăm sóc - Ảnh: Báo vietnamnet.vn

"Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường cho ông ấy.

Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng. Dù não bà có đang thiếu oxy, dù bà có đang thở “không ra hơi”, thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy.

Covid-19 thường có yếu tố gia đình. Một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không ngoại lệ và cùng vào viện trong bệnh cảnh rất nặng. Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, tình trạng của ông bà đều xấu đi và bà có chỉ định can thiệp đặt ống thở máy.

Sau khi giải thích cho bà rằng can thiệp này giúp đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường lại cho ông. Chúng tôi phải cố giải thích rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông nên tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà.

Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà”. Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà..."

23682169862844800816253943583953367946792874n 1628
Khu vực điều trị bệnh nhân nặng tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: internet

Đó là câu chuyện về hai ông bà đã quá 70 tuổi mắc Covid tại Hà Nội. Hai ông bà được phát hiện bị nhiễm vào ngày 26/7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau đó, bà cụ chuyển nặng, phải chuyển tuyến lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Chiều tối 6/8, các bác sĩ đưa ra chỉ định đặt ống nội khí quản, cho bà cụ thở máy. Khi ấy bà vẫn còn tỉnh táo, các bác sĩ giải thích cho bà về lý do cần can thiệp và những tình huống có thể xảy ra. Bà vội hướng mắt về hướng người bệnh nằm cùng phòng, đó là chồng bà, ông cụ vừa được chuyển từ y tế địa phương lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do tình trạng khó thở tăng nặng trước đó vài tiếng. “Xin bác sĩ nhường cho chồng tôi thở máy. Tôi thấy vẫn khỏe nên chưa cần đến”- Câu nói của bà khiến bác sĩ Thiệu hơi sững người và lặng đi đôi chút. Sau đó, anh giải thích với bà rằng ở đây không thiếu máy thở và chỉ định này cần thiết cho bà, chưa cần với ông, như thế bà mới an tâm hơn để bắt đầu can thiệp.

2 ngày sau, ông Linh cũng tổn thương phổi nặng hơn, buộc phải chỉ định đặt ống nội khí quản. Đúng như lời bác sĩ nói, ở đây vẫn còn đủ máy thở cho ông. Một điều may mắn hơn nữa là cả hai ông bà đều đáp ứng máy thở và tiến triển tốt. Đến ngày 12/8, họ cùng được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy.

Lúc này, bà cụ vẫn ở trạng thái kích thích mê man, chưa tỉnh táo do dùng thuốc an thần lâu ngày. Còn ông cụ đã tỉnh lại sau vài tiếng cai máy. Khi có một nữ điều dưỡng hỏi: “Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với bà không, để chúng cháu giúp” thì ông bắt đầu thều thào, cố gắng nói nhưng không rõ tiếng do cổ họng ông còn bị ảnh hưởng sau thời gian can thiệp thanh quản. Thấy thế, nữ điều dưỡng vội đưa cho ông một tờ giấy và cây bút.

Tay ông cụ run rẫy, cố cầm chặt cây bút rồi chậm rãi viết từng chữ: "1 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”. Lúc này, ông đưa mắt nhìn sang giường bệnh của vợ mình, giọt nước mắt lăn dài trên má. Bà cụ vẫn chưa tỉnh, có lẽ ông đang nghĩ rằng bà không qua khỏi. Nữ điều dưỡng bèn mang bức thư sang đọc cho bà cụ nghe. Mặc dù bà vẫn đang mê man nhưng khi nghe những lời dặn dò của ông, bà rơi nước mắt. Khi ấy, tất cả mọi người đều rất xúc động trước tình cảm mà ông bà dành cho nhau.

23582857362844796082921082666821299651183905n 1628
Bức thư ông dành cho bà - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Giờ đây, cả hai ông bà đều đã dần hồi phục. Mỗi lần thấy các bác sĩ đến chăm sóc cho bà cụ, ông đều cố ngoảnh dậy để quan sát. Có lẽ ông cũng rất muốn sang chăm sóc cho vợ mình nhưng vì sức khỏe chưa cho phép, ông vẫn không thể xuống khỏi giường. Quả thật tình cảm của ông bà dành cho nhau đã khiến chúng ta vô cùng xúc động. Đến cuối cùng, dù ta có bao nhiêu tuổi, dù ta có ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, tình yêu vẫn rất đẹp.

Bảo Trân

Theo Vietnamnet.vn

# Bài viết nổi bật

# Bài viết cùng chủ đề

20 địa điểm check in Đà Lạt đang hot, cứ sống ảo là lên xu hướng

Thu Hà - 10:17 24/04/2024

Những điểm check-in nào đang hot tại Đà Lạt? Những địa điểm chụp hình miễn phí chất nhất? Tất cả sẽ có trong bộ bí kíp check in Đà Lạt ngay sau đây!

Lịch diễn các show ca nhạc Đà Lạt tháng 5 năm 2024

Thu Hà - 11:00 19/04/2024

Các show ca nhạc Đà Lạt tháng 5 thường xuyên diễn ra vào cuối tuần, lý tưởng cho du khách trải nghiệm. Đây còn là thời điểm nhiều mùa hoa rực rỡ.

Đi Đà Lạt cần chuẩn bị gì cho bé? Đưa con đi chơi ở đâu?

Minh Minh - 08:28 19/04/2024

Đi Đà Lạt cần chuẩn bị gì cho bé là thắc mắc được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tất tần tật kinh nghiệm đi Đà Lạt cho gia đình có trẻ nhỏ sẽ được giải đáp trong bài viết của Đà Lạt 360 ngay dưới đây!

Đà Lạt tháng 5 có hoa gì? Thời tiết mùa này ra sao?

Thu Hà - 14:18 05/04/2024

Những loài hoa Đà Lạt tháng 5 đẹp nhất bao gồm cẩm tú cầu, sao nhái, hướng dương, tam giác mạch, cỏ lau, bồ công anh, hoa giấy...