Bích Ngọc - 14:10 12/07/2021
Theo đó, những đoạn clip ghi lại cảnh người từ thiện cầm loa, yêu cầu một số người dân phải bước ra khỏi hàng - từ chối phát cơm. Nguyên nhân từ chối thì có rất nhiều, từ việc "bụi đời", đeo vàng, cho đến việc "Tại sao chị sơn móng chân mà chị lại đi nhận cơm từ thiện?".
Người xưa vẫn có câu "của cho không bằng cách cho", thế nên câu chuyện phát cơm từ thiện của chủ kênh YouTube Tuấn Dương đang nhận được sự tranh cãi gay gắt với cộng đồng mạng. Câu nói của thanh niên quay clip không chỉ động vào lòng tự ái của người được nhận cơm từ thiện mà còn khiến người xem bức xúc.
Cư dân mạng cho rằng anh này có thái độ trịch thượng, coi thường người nghèo, nặng lời với người khác và không tôn trọng người lớn tuổi hơn mình. Chưa dừng lại ở đó, trong một số đoạn video đã được đăng tải, chàng trai này còn dùng những lời lẽ hơi khó nghe như "mình có rồi thì thôi, người đeo vàng thế để cho bệnh nhân", "bụi đời không phát, đi ra ngoài", "chen lấn không phát"...
Trong một lần phát cơm từ thiện khác, khi thấy cụ già gầy trơ xương, có lẽ ông bị bệnh nên hay gãi quanh người. Thấy vậy, mạnh thường quân này tỏ thái độ khó chịu, "Ông đừng có gãi sồn sột thế, nó bắn cái nọ cái kia ra bàn phát cơm của tụi con. Chỉ sợ văng con nọ con kia ra, rất là nguy hiểm. Chỗ phát cơm linh thiêng của người ta mà ông làm không ra sao cả".
Khi bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ, Tuấn Dương đã đăng video giải thích rằng: "Cô này vào không phải để lấy cơm, mà có ý định móc túi anh đằng trước. Sau khi 2 người này có sự xô xát, thì mình quan sát được và để ý cô này. Bệnh nhân và những người đi nuôi bệnh từ quê ra thường thật thà, thẳng thắn và không nghĩ là ở thành phố sẽ có trộm cắp như thế. Khi cô lấy cơm xong, mình đã tiến đến kiếm một câu chuyện làm quà nhằm để người này phân tâm, không nghĩ đến chuyện ăn cắp ăn trộm nữa. Trên cổ cô này còn đeo dây chuyền rất to không biết vàng thật hay vàng giả".
Về trường hợp gọi người xin cơm là "bụi đời", Tuấn Dương giải thích: "Mình biết dùng từ bụi đời có vẻ động chạm, nhưng ở đây ý của mình là muốn đuổi kẻ gian manh, những kẻ khỏe mạnh mà mắt cứ láo liên".
YouTuber đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân xung quanh về một nhóm người chuyên xin cơm từ thiện để bán. Theo đó nhóm người chuyên xin cơm từ thiện này thường xuất hiện ở các điểm phát cơm, thay nhau xin và truyền ra ngoài để bán lại với giá từ 5 - 10 nghìn/phần. Thế nên anh thường từ chối phát cơm cho những người sơn móng chân, ăn mặc sặc sỡ, mang trang sức,...
T.D. cho biết, việc một số tài khoản cắt ngắn clip rồi đăng lên mạng khiến nhiều người hiểu nhầm khi chưa theo dõi hết câu chuyện. Dù đã lên tiếng giải thích, tuy nhiên những đoạn clip trên của T.D. vẫn đang được chia sẻ và nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Hiện nay, có rất nhiều YouTuber núp bóng từ thiện, đi theo để ghi hình - giật các tình tiết câu view, câu lượt đăng ký trên MXH. Không biết được trong những suy nghĩ của anh chàng Tuấn Dương kia có bao nhiêu sự hảo tâm kia nhưng không ai ủng hộ, tán dương việc đạo mạo lăng mạ người khác cả. Chúng ta có quyền từ chối nhưng không được quyền thóa mạ người khác, nhất là hành vi quay phim, chụp ảnh người khác đưa lên MXH nhằm mục đích bôi nhọ chính là hành vi phạm pháp luật.
Nguồn: Tổng hợp