Bích Ngọc - 14:39 21/09/2020
Đà Lạt là thành phố của những câu chuyện. Bất cứ góc nhỏ nào dường như đều gắn liền với những tâm sự, hoài niệm. Có thể là kỉ niệm vui vẻ nhưng đôi khi lại là câu chuyện tình với kết cục bi thương. Chính vì thế Đà Lạt được mệnh danh là thành phố tình yêu, những kẻ cô đơn lại gọi đây là thành phố buồn. Chắc chắn với những ai yêu mến Đà Lạt đều biết đến đồi thông hai mộ nằm bên hồ Than Thở. Nhưng ít ai biết rằng nơi đây được gắn với những câu chuyện ly kì cũng không kém phần bi thương.
Đồi thông hai mộ là một trong những địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt. Nơi đây từng được phổ nhạc và được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày. Đồi thông 2 mộ trở thành một địa điểm mà khi đến với Đà Lạt người ta muốn ghé thăm, lắng đọng tâm hồn mình lại.
“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”
Từng nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân). Gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Thế nên hồ Than Thở được nhiều người biết đến và ghé thăm để vui chơi vào cuối tuần. Hồ được người Pháp xây dựng và đặt tên là Lacdes Soupirs - có nghĩa là rì rào hoặc than thở. Tuy nhiên, vào năm 1990, hồ đã được đổi tên thành hồ Than Thở. Dựa theo phiên âm từ tên Pháp qua tiếng Việt chứ không hề liên quan đến câu chuyện về đồi thông 2 mộ ở Đà Lạt.
Hồ Than Thở tọa lạc tại 1 rừng thông yên bình, tách biệt khỏi sự ồn ào của phố thị. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Tại đây dường như chỉ còn nghe gió vi vút nhẹ reo, tiếng thông rừng như thở than, như nức nở cho một câu chuyện tình nơi phố núi. Đó là câu chuyện đồi thông hai mộ ở Đà Lạt. Một câu chuyện tình xót xa và có thật về sự sắt son, thủy chung trong tình yêu. Câu chuyện cảm động khiến người nghe lặng yên rơi lệ, cảm thông cho chuyện tình đôi lứa và đôi chút xót xa...
Đồi thông 2 mộ Đà Lạt là một khu đồi thoai thoải với một ngôi mộ đôi nằm ở dưới chân đồi. Địa điểm này nằm ngay trong trung tâm thành phố. Chỉ mất khoảng 15 phút chạy xe. Từ chợ Đà Lạt, bạn di chuyển đến đường Quang Trung. Sau đó, đi theo đường Hồ Xuân Hương để đến quốc lộ 27C. Chạy thẳng theo đường nhựa, bạn sẽ thấy hồ Than Thở. Lúc này là bạn sẽ đến đồi thông hai mộ rồi. Hiện nay giá vé tham quan Đồi Thông Hai Mộ tại Đà Lạt là miễn phí và không thu thêm bất kỳ khoản phí nào.
Địa chỉ: Đồi thông hai mộ - Đường Hồ Xuân Hương, phường 12, Đà Lạt.
Nếu du khách Google từ khóa "Đồi thông hai mộ Đà Lạt" hay "Chuyện đồi thông hai mộ" sẽ có rất nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên, theo 360dalat.com tìm hiểu thì chỉ có một câu chuyện dưới đây là sự thật. Và tại sao lại gọi nơi đây là "Đồi thông hai mộ"? Những câu chuyện ly kỳ xoay quanh chúng là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Câu chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh của người con trai tên Tâm quê ở Vĩnh Long là sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt và cô Thảo, giáo viên trường Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt. Câu chuyện xảy ra được khoảng 60 năm về trước. Khi đó, chàng là con trai độc nhất của một điền chủ giàu có. Nàng là cô sinh viên khoa Văn với nhiều mơ mộng và ước ao. Thế rồi, họ gặp nhau trong một lần đi dạo bên bờ hồ Sương Mai. Ngày nay là hồ Than Thở. Họ cảm mến và đến với nhau. Trở thành một cặp đôi đẹp nhất trong mắt các sinh viên cùng khóa.
Ra trường, Lê Thị Thảo trở thành cô giáo dạy Văn tại thành phố Đà Lạt. Vũ Minh Tâm trở về quê. Chàng đem theo lời thề ước sẽ đem trầu cau lên hỏi cưới nàng. Nhưng chuyện tình chẳng hề dễ dàng đến thế. Ba mẹ chàng không đồng ý với lý do không môn đăng hộ đối. Họ ép chàng phải cưới cô gái mà họ đã chọn. Tuy không muốn nhưng để vẹn toàn đạo hiếu, chàng đành phải chấp nhận nhưng trong lòng luôn hướng về Thảo.
Về phía Thảo, khi nghe tin chàng về quê lấy vợ. Nàng nghĩ là chàng đã phụ tình mình nên ra hồ Than Thở, để lại hai câu thơ rồi gieo mình xuống hồ tự vẫn:
“Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau”
Biết tin người mình yêu tự vẫn, Tâm rất ân hận và đau buồn. Thay vì trở về quê, chàng quyết định xin đơn vị tham gia trận chiến. Không may anh bị thương rất nặng, đơn vị, bạn bè đã chăm sóc chữa trị nhưng không qua khỏi. Trong số những kỷ vật còn lại, người ta tìm thấy nhật ký của anh. Trong đó viết: “Nếu không được chung một mái nhà thì chết nhất định sẽ chung một nấm mồ”.
Thương xót cho mối tình của đôi trai gái, đồng đội đã làm theo lời anh. Họ lập một tấm bia “Mệnh chung”. Kể từ đó, đồi thông mang tên “Đồi thông hai mộ”. Nhiều cặp tình nhân tin rằng, nếu gặp trắc trở trong tình yêu, chỉ cần đến thắp hương ngôi mộ này, người đã khuất sẽ phù hộ cho chuyện tình của họ.
Nhiều năm sau, không hiểu vì lý do gì mà gia đình Tâm lên Đà Lạt, đưa mộ chàng về Gò Công. Một lần nữa quyết chia lìa đôi trai gái, bất kể nguyện vọng khi chàng trai còn sống. Sau này, mộ của cô giáo Thảo đổ nát. Có người xót thương cho cặp tình nhân trẻ nên đã xây lại ngôi mộ của Thảo và xây thêm mộ của Tâm ngay bên cạnh. Du khách khi ghé Đồi thông 2 mộ vẫn sẽ thấy ngôi mộ của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm đứng cạnh nhau. Tuy nhiên, chỉ có ngôi mộ của cô gái là thật. Còn ngôi mộ của chàng trai chỉ là sự tiếc thương của người đời về một mối tình đẹp nhưng không thành.
Tại khu vực xung quanh đây phát hiện rất nhiều vụ tự tử hay án mạng. Dần dần, có nhiều lời đồn truyền tai nhau rằng nơi này đã bị ám. Cộng thêm nơi đây luôn mang vẻ âm u và tịch mịch đến lạ thường khiến người ta luôn tin điều đó là thật. Tuy nhiên, đây đều là sự trùng hợp. Vì là nơi hoang vu, vắng vẻ là địa điểm người xấu dễ dàng ra tay lợi dụng. Ngoài ra, người ta cũng tìm ra rằng: Các bức hình tại đây hầu hết đều được Photoshop. Mục đích là thu hút sự hiếu kỳ của các du khách. Vậy nên, đừng thêu dệt nơi đây bằng những câu chuyện thất thiệt. Hãy để du khách nhớ đến đồi thông hai mộ như một câu chuyện tình đáng trân trọng và ngưỡng mộ của người xưa.
Đồi thông hai mộ không đơn thuần chỉ là địa điểm tham quan mà còn là một nơi mang đến nhiều cảm xúc. Câu chuyện tình yêu ở đây khiến người ta nghẹn ngào và đầy nuối tiếc. Đây quả thật là nơi rất đáng để ghé thăm trong chuyến du lịch Đà Lạt.
Bích Ngọc