Bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt: nguồn gốc, địa chỉ, cách làm…

Thu Hà - 09:40 29/11/2023

Từ một sự kết hợp tình cờ, bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng giúp duy trì làng nghề ở Lạc Lâm.

Không hổ danh là thiên đường ẩm thực, Đà Lạt có vô vàn các món ăn hấp dẫn để níu chân du khách. Từ vị bánh mì xíu mại Đà Lạt đậm đà đến kem bơ béo ngậy, các món ngon phố Núi chưa khi nào làm thực khách hết bất ngờ. Tuy không nổi tiếng như những món ăn chợ Đêm kể trên, bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt lại được săn lùng khắp cả nước bởi hương vị ‘ăn là ghiền’.

Banh Trang Mam Ruoc Da Lat
Những miếng bánh tráng giòn rụm, thơm lừng, đậm đà vị mắm ruốc là sự kết hợp giữa núi rừng và biển cả.

Nguồn gốc bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt

Bánh tráng mắm ruốc được ra mắt lần đầu tiên từ năm 2006, có nguồn gốc từ chị Trần Thị Nương, một người con trong gia đình có truyền thống làm bánh tráng lâu đời ở lô Bảy Hòa, thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Món ăn sau đó được yêu thích và lan rộng đến các khu vực lân cận như Đà Lạt, sau đó là các tỉnh thành phố khác.

Chị Nương kể ban đầu mọi người chỉ nướng bánh tráng trứng hành truyền thống, nhưng chị muốn thay đổi khẩu vị cho người ăn nên đã nghĩ ra việc kết hợp bánh tráng với mắm ruốc. Bản thân chị cũng không ngờ sự kết hợp giản dị ấy lại được nhiều người yêu thích. Món bánh tráng mắm ruốc Lạc Lâm sau đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cho cả làng nghề.

Sở dĩ gần đây bánh tráng mắm ruốc gắn liền với Đà Lạt bởi đây là nơi nhiều du khách lần đầu tiên thưởng thức món ăn vặt ngon lạ miệng này. Những khách sành ăn và hoài cổ vẫn thường xuyên tìm về bánh tráng mắm ruốc Lạc Lâm, nhưng chính các cơ sở phân phối bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt đã đem món ăn này tới gần hơn với đông đảo du khách.

Bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt bao nhiêu calo?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình 1 chiếc bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt tương ứng với 175 calo. Đây là mức khá cao so với các loại bánh tráng khác do chứa nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, lượng calo cần thiết cho hoạt động trong 1 ngày rơi vào khoảng 2000 calo. Như vậy, chỉ cần bạn ăn khoảng 3-4 cái bánh tráng mắm ruốc là đã đủ lượng calo cho 1 bữa ăn chính.

>>> Những con đường đẹp ở Đà Lạt đã đến là không muốn về

Banh Trang Mam Ruoc Lac Lam
Bánh tráng mắm ruốc ban đầu được nướng bằng tay trên bếp than hoa nhưng hiện tại chủ yếu được nướng bằng máy.

Để giảm thiểu tình trạng tăng cân do ăn bánh tráng mắm ruốc khi đi du lịch Đà Lạt cùng gia đình, các bạn nên giới hạn số bánh tráng ăn trong ngày và lựa chọn các loại rau củ, thực phẩm ít calo để ăn kèm. Đồng thời, cần tập thể dục thường xuyên để hạn chế lượng mỡ tích tụ, ảnh hưởng đến vóc dáng và sức khỏe nói chung.

Đi Đà Lạt ăn bánh tráng mắm ruốc ở đâu?

Nếu muốn trực tiếp thưởng thức món bánh tráng mắm ruốc tại thành phố mờ sương, các bạn có thể tham khảo các quán ăn vặt sau đây. Một số quán nằm trong hẻm khá khó tìm, nên mọi người lưu ý kiểm tra kĩ đường đi hoặc tham khảo người dân quanh vùng để tìm đường dễ hơn.

  • Bánh tráng nướng bà Khùng: 61 Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt
  • Bánh tráng mắm ruốc dì Đinh: 26 Hoàng Diệu, Đà Lạt
  • Bánh tráng mắm ruốc cô Hoa: 56 Thông Thiên Học, Đà Lạt
  • Bánh tráng mắm ruốc cô Chung: hẻm 1, đường Nhà Chung, Đà Lạt

>>> Lịch trình phượt Đà Lạt 3 ngày 2 đêm bằng xe máy từ TP HCM

Mua bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt ở đâu?

Bánh tráng nướng mắm ruốc Đà Lạt được bày bán ở hầu hết các cơ sở đặc sản Đà Lạt, đặc biệt là ở khu chợ Đà Lạt đường Nguyễn Thị Minh Khai. Bánh có vị mặn đặc trưng của ruốc biển, kết hợp với vị ngọt của gạo và đường cùng hương thơm của tỏi ớt, khiến du khách ăn hoài không thấy ngán.

Bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt thường được đóng gói theo bọc 5 cái, có kích thước lớn và kích thước nhỏ. Bánh được nướng trên bếp than và có màu vàng đậm bắt mắt. Nếu bạn đang phân vân bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt bán ở đâu uy tín, đặc biệt là làm sao mua bánh từ các nơi khác như TP Hồ Chí Minh thì có thể tham khảo một số địa chỉ sau. Các cơ sở này đều có dịch vụ ship hàng toàn quốc.

Bánh tráng mắm ruốc Đơn Dương

Địa chỉ: Đơn Dương, Lâm Đồng

Hotline: 0912 962 405

Như đã giới thiệu phía trên, Đơn Dương chính là cái nôi của món bánh tráng mắm ruốc, vì vậy các bạn sẽ tìm thấy khá nhiều cơ sở sản xuất đồ ăn này tại đây. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng quy trình làm bánh tráng khép kín để đảm bảo vệ sinh.

Bánh tráng sau khi được phơi và định hình sẽ được quét lớp mắm ruốc và cho vào máy nướng. Bánh thành phẩm có màu vàng cam đặc trưng cùng hương thơm khó cưỡng.

>>> Check in Đà Lạt: 20 điểm sống ảo hút like nhất trên mạng xã hội

Banh Trang Mam Ruoc Da Lat Co Ba
Bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt là món quà thơm ngon, có thể bảo quản lâu, dễ sử dụng.

Bánh tráng mắm ruốc Cô Ba

Địa chỉ: 329 Bùi Thị Lùng, Thới Tam, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh

Hotline: 0901 489 239

Bánh tráng mắm ruốc Cô Ba cũng được sản xuất ở Đơn Dương, Lâm Đồng. Bánh được tráng từ gạo xay nhuyễn với mè trắng rồi cho lên giàn phơi khô nhờ khí hậu đặc trưng của xứ sở sương mù. Các thành phần của món bánh tráng mắm ruốc Cô Ba bao gồm bột gạo, mè trắng, mắm ruốc, đường, dầu ăn, bột ngọt, ớt.

Bánh nướng trên bếp than hồng để giữ vị nguyên bản nhưng áp dụng các quy trình sản xuất thực phẩm hiện đại nên phù hợp thị hiếu giới trẻ. Bánh tráng nướng mắm ruốc Cô Ba được phân phối tại hệ thống cửa hàng Batrafaco với giá từ 27,000 đến 33,000 VNĐ/ bịch.

Bánh tráng mắm ruốc Windy Food

Địa chỉ: 9 An Phú, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh

Hotline: 0929 042 000

Bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt Sài Gòn tại Windy Food được quảng bá có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt và được sản xuất khép kín hoàn toàn tại Đà Lạt. Gạo sạch, ruốc và gia vị được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và chất lượng thơm ngon của thành phẩm.

Sau khi bánh đa được tráng và phơi khô xong sẽ được phết lên một lớp mắm chua ngọt với công thức đặc biệt, rồi đến lớp ruốc mỏng. Bánh được nướng hai lần để đảm bảo bánh chín giòn, trong khi bánh mới ra lò luôn có mùi thơm đặc trưng.

Giá bán bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt tại Windy Food như sau:

Bánh tráng mắm ruốc cỡ lớn: 18,000 VNĐ/ bịch 5 cái

Bánh tráng mắm ruốc cỡ nhỏ: 10,500 VNĐ/ bịch 5 cái

Ngoài ra, Windy Food còn bán nhiều loại bánh tráng khác bao gồm bánh tráng chuối, bánh tráng sate bò với giá tương tự như bánh tráng mắm ruốc. Tuy nhiên, chỉ khách hàng mua sỉ từ 40 bịch mới được nhận hàng qua nhà xe.

>>> Ngắm hoàng hôn Đà Lạt ở đâu lãng mạn nhất?

Bánh tráng mắm ruốc tại Châu Khoa Nguyễn

Địa chỉ: 18B Đường 762 Hồng Bàng, phường 1, quận 11, TP Hồ Chí Minh

Hotline: 077 76 79 418

Bên cạnh các cửa hàng đặc sản thì các bạn cũng có thể mua bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt ở các cửa hàng chuyên rau củ sạch hoặc nông sản Đà Lạt nói chung. Châu Khoa Nguyễn là cửa hàng nhập rau củ quả và một số món ăn Đà Lạt về Sài Gòn, trong đó có bánh tráng mắm ruốc. Tại đây, bánh được đóng gói theo bịch 5 cái, có giá bán lẻ 35,000 VNĐ/ bịch.

Cách làm bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt

Khác với bánh tráng nướng trứng hành thường được gọi là pizza Đà Lạt, bánh tráng mắm ruốc có vị giản dị và đỡ ngán hơn. Bánh có thể bảo quản khá lâu mà vẫn giữ được độ giòn, nên nhiều du khách lựa chọn mua bánh tráng mắm ruốc về làm quà. Do hầu hết các lò sản xuất bánh đã được tự động hóa bởi máy nướng hiện đại, sẽ khá khó để các bạn tự làm bánh tại nhà với vị giòn đều y hệt.

Nguyên liệu làm bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt:

  • Bánh tráng khô
  • Mắm ruốc biển
  • Trứng cút
  • Thịt băm
  • Pate
  • Tương ớt, tương đen
  • Tỏi, hành tím, hành lá, chanh
  • Muối, đường, ớt bột

Các bước làm bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt tại nhà:

  • Băm nhỏ tỏi, hành lá, hành tím. Đập sẵn trứng cút, quậy đều.
  • Xào thịt băm với tỏi hành đã băm, nếm gia vị cho vừa miệng
  • Phi thơm mắm ruốc cùng dầu ăn, cho thêm đường, 1 ít nước cốt chanh, 1 ít ớt bột, đảo đều cho đến khi hỗn hợp sệt lại là được
  • Làm nóng chảo chống dính, cho bánh tráng khô vào, phết bơ đều lên mặt bánh. Quét đều trứng cút lên bánh rồi cho thêm hỗn hợp thịt băm, mắm ruốc và pate lên phía trên. Cho thêm 1 ít tương ớt và tương đen lên trên cùng rồi cuộn bánh lại.
  • Lật 2 mặt bánh trên chảo đều đặn để cả 2 mặt chín vàng.

>>> Mứt dâu Đà Lạt ăn như thế nào ngon? Mua ở đâu?

Các lưu ý khi làm bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt:

  • Khi phi hành tỏi, cần tránh để hành có màu vàng vì khi vớt ra ăn có thể bị đắng.
  • Luôn giữ lửa nhỏ khi nướng bánh. Bánh rất dễ cháy, lúc đó ăn sẽ không giòn và không có vị thơm ngon.
  • Lúc phết trứng và các loại topping, cần thao tác thật nhanh, gọn gàng. Nếu làm chậm, bánh sẽ bị cong lại và không thể đựng được các nguyên liệu bên trong. Chú ý lật bánh đều đặn, nhanh gọn.

Như vậy, 360dalat vừa chia sẻ kinh nghiệm mua bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt cũng như cách làm món ăn này tại nhà. Đây vừa là đặc sản độc đáo của phố Núi, vừa là món quà hấp dẫn để du khách mang về tặng người thân, bạn bè sau chuyến du lịch Đà Lạt.

>>> Xem thêm: Đà Lạt mùa này có gì? Đi đâu chơi thích nhất?

# Bài viết nổi bật

# Bài viết cùng chủ đề